Làm thế nào để tự học ACCA một cách hiệu quả?
Thầy Vũ Văn Định, ACCA - Giảng viên tại Trung tâm BISC được biết đến là một người thầy vô cùng nhiệt huyết, luôn cố gắng truyền động lực mỗi ngày tới các bạn học viên và đặc biệt là thường xuyên trao những lời khuyên vô cùng bổ ích mà trong cuộc sống thầy đã từng trải qua. Có lẽ câu chuyện có nên tự học ACCA hay không, làm thế nào để tự học ACCA là một câu hỏi chung của rất nhiều học viên ACCA khi bắt đầu tìm hiểu về chương trình này. Trước kia thầy Định cũng đã từng trải qua giai đoạn học ACCA ở trung tâm và tự học ACCA, vậy nên chắc hẳn thầy sẽ có rất nhiều lời khuyên bổ ích cho các bạn về vấn đề này. Hãy cùng BISC tìm hiểu ngay bây giờ nhé!
Sau vài năm đi dạy và cũng ngần ấy năm nhận được câu hỏi của mọi người về việc tự học ACCA như nào, mình đúc rút ra một vài kinh nghiệm/chiến lược như sau:
1. Học bao nhiêu môn ACCA một kỳ?
Câu trả lời cho việc này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
(1) – Thời gian bạn có cho kỳ thi đó là bao nhiêu
(2) – Bạn có nhu cầu phải học nhanh không (ví dụ như để đủ điều kiện tham gia các vòng thi của các công ty kiểm toán)
(3) – Khả năng học/tự học của bạn đến đâu.
Tuy vậy, vẫn có 1 công thức chung để xác định việc học bao nhiêu môn một kỳ, đó là bạn cứ tính số thời gian rảnh mà dự định để học ACCA, sau đó chia cho 80 - 100h là ra được số môn có thể học. Nếu đáp số từ khoảng 1.8 trở lên là bạn có thể thi 2 môn rồi, nhưng nếu dưới 1.5 thì nên cẩn thận mà chọn 1 môn thôi nhé.
Với cách thi hiện tại của ACCA (1 năm 4 kỳ) thì số môn thi tối đa mà ACCA cho phép thi trong 1 năm là 8, đồng nghĩa với việc 2 môn/kỳ là 1 mục tiêu tương đối vừa vặn. Bản thân mình thấy việc học 3 môn/kỳ là cực kỳ nặng, nhất là những ai thi các môn ở cấp độ Professional trở lên.
2. Học ACCA từ lúc nào?
Tương tự câu trên, việc học từ lúc nào cũng phụ thuộc vào cách học của từng người và tùy xem người đó có đang đi làm hay đi học không. Ngày xưa khi đi làm, mình thường học vào 2 tuần cuối trước khi thi và cày khá trâu. Cách học này khá là phổ biến, không chỉ với người đi làm mà còn với các bạn sinh viên hiện tại. Tuy nhiên, nếu có thể thì mình khuyên nên bắt đầu học càng sớm càng tốt, ngay sau khi thi các môn thi của kỳ trước là đã nên bắt đầu tính dần đến việc học các môn kỳ sau rồi.
Có 1 câu chuyện về Sir Alex Ferguson, đó là ngay sau khi giành được chức vô địch cúp C1 năm 2008 với chiến thắng trước Chelsea, ông đã tới văn phòng làm việc ngay ngày hôm sau. Không một ngày nghỉ dù cho chiến tích của ông cũng đủ khiến cho 1 người bình thường cảm thấy….có thể giải nghệ ngay được. (xin trích 1 câu bài phát biểu của Sir Alex trước toàn đội buổi tối ngày hôm đó: “‘Tomorrow morning I will be thinking about next season. It drains away very quickly – that drug, that final moment. I will be thinking about the future and looking into the players’ eyes to make sure their hunger is still there.’“
3. Học ACCA ở đâu và học ACCA với ai?
Điều này sẽ tùy thuộc rất nhiều vào lượng tài chính mà bạn có. Nếu có điều kiện, việc đi học ACCA ở trung tâm là rất tốt vì:
(1) – Bạn đỡ mất công phải mò mẫm xem học như nào cho hợp lý, cách giải của mình có đúng không… Giảng viên đã nắm cái đó rất rõ rồi.
(2) – Bạn được làm quen với nhiều người có cùng mục đích như bạn. Không gì giúp duy trì thói quen dễ hơn việc làm bạn với 1 nhóm người có cùng quan điểm, cùng mục tiêu…
Tuy vậy, để tận dụng việc học ở trung tâm cũng cần bạn phải có những yếu tố sau:
(1) – Đi học đầy đủ. Mình vẫn nhớ ngày xưa mình ở Hoàng Mai, còn trung tâm ở Cầu Giấy, mình đạp xe đạp đi đến nơi mà nhiều lúc mệt quá còn phải cố hát để động viên bản thân. Và mình đã không bỏ 1 buổi nào.
(2) – Chủ động làm bài/ôn bài/đọc trước bài. Mình vẫn nhớ 1 học sinh lớp F5 của mình, bạn ấy đang học ở Monash và tranh thủ về Việt Nam nghỉ tết (bên đó là nghỉ hè) để học 1 môn ACCA. Và đúng là cách bạn ấy chủ động trong việc học đã khiến mình đi từ ngạc nhiên đến thán phục vì…mình cũng chưa từng làm được như thế. Nhưng kết quả của bạn ấy ở lớp cũng hoàn toàn xứng đáng khi bài kiểm tra nào cũng luôn đạt được kết quả tốt, và điều tuyệt vời nữa là bạn ấy còn cảm thấy vô cùng yêu thích sau khi học môn này.
Nếu tài chính của bạn không dư dả, hoặc là bạn không phù hợp với lịch học của trung tâm, thì đây là lúc nghĩ đến việc tự học ACCA. Đầu tiên mình khẳng định là việc tự học ACCA hoàn toàn có thể làm được. Mình tự học 7/14 môn (4 môn được miễn), và có rất nhiều bạn tự học hoàn toàn chương trình ACCA. Khi tự học, theo mình nên có được 2 điều sau đây thì sẽ giúp cho bạn tự học tốt hơn rất nhiều:
(1) – Kiếm 1 nhóm học cùng hoặc nếu khó thì chỉ cần 1 người học cùng thôi. Khi có 2 người, chúng ta có thể đóng góp những góc nhìn, những cách giải bài của từng người. Điều đó không chỉ giúp chúng ta cảm thấy bài học thú vị hơn (vì một vấn đề được diễn giải theo nhiều hướng), mà còn khiến hiểu bài và khi đi thi, nếu còn thừa thời gian có thể tự recheck lại xem cách làm của mình và của bạn có ra được cùng đáp số không.
(2) – Nếu tự học, cần xác định được cách tiếp cận với từng môn học sao cho hợp lý. Một kinh nghiệm là có thể hỏi những người đã thi môn này hoặc những người đang đi học trung tâm xem, nên tập trung vào các chương nào chính, quan trọng trước; hoặc là nên học theo thứ tự nào là tốt nhất. Ví dụ trong môn Lập báo cáo tài chính, theo sách BPP thì ngay từ đầu đã học bài tập về Hợp nhất. Tuy nhiên dạng bài liên quan tới Cân đối số phát sinh (Trial Balance) và Lưu chuyển tiền tệ (Cash flow) thì dễ hơn nhiều, và rõ ràng có thể nhảy vô 2 phần đó được từ đầu để cảm thấy đỡ nản và (đôi khi) còn thấy thú vị hơn. Cứ cắm đầu học theo thứ tự trong sách cũng chưa hẳn là 1 cách hay nhé.
4. Để tự học ACCA thì cần dùng tài liệu gì?
ACCA có 1 cái rất hay đó là public toàn bộ đề thi cũ lên mạng. Điều đó giúp cho người học có 1 kho tàng tài liệu rất hữu ích. Mình cũng đã viết 2 bài viết về các tài liệu sẵn có trên ACCA ở bài viết: Bí quyết sử dụng các nguồn tài liệu ACCA hiệu quả
Trong đó một số tài liệu sau của ACCA mình đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng như sau:
- Examiner report: cung cấp các đánh giá của examiner về lỗi sai sinh viên hay gặp phải, kỳ vọng như nào
- Past papers: Tất nhiên rồi
- Syllabus: Đây là tổng quan nhất về môn học và nội dung các chương, yêu cầu đầu ra mà sinh viên phải hiểu được.
5. Tự học ACCA như nào?
Đến đây thì có lẽ chúng ta cũng đi được kha khá chặng đường rồi. Xin giới thiệu 1 số cách thức để học như sau:
- Mindmap hoặc Content tree: Tùy thuộc vào bạn thích cái nào, nhưng điều đầu tiên là cần phải tóm tắt được nội dung của môn học theo từng chủ đề, sau đó từng nhánh nhỏ lại làm rõ tiếp xem mỗi nội dung trong đó là gì. Khi vẽ được cái này ra, bạn sẽ luôn nắm được nội dung môn học, các phần liên kết với nhau như nào…
- Sau khi có được nội dung trên, tùy vào khối lượng kiến thức trong mỗi chương mà phân bổ thời gian để đọc kiến thức trong sách và làm bài tập. Đối với các môn tính toán như F5, F6, F7, F9…thì nên tổng hợp các dạng bài tập thành từng tờ A4, cách làm như nào, lấy số liệu ở đâu, phân tích như nào…Tối đa nhu F5 cũng chỉ khoảng 10 dạng bài tập chính thôi. Đối với các môn kho khó và phải viết nhiều như F8, SBL, AAA…có thể dùng phương pháp “audit answer”, tức là đọc đề, note lại các ý mình có, so với đáp án và hiểu đáp án. Sau đó đi chơi, nghe nhạc 30p-1h và quay lại tự làm xem đến đâu. Những chỗ nào không hiểu lại dò xem mục kiến thức đó ở chỗ nào trong mindmap và đọc lại giáo trình.
- Chỉ cần làm (và hiểu hết) các bài tập trong sách bài tập là tương đối đủ để thi rồi. Và đừng quên các past papers nhé!
Trên đây là 1 vài tổng kết của mình dành cho những ai đang ấp ủ để tự học ACCA trong thời gian sắp tới. Hi vọng là những điều trên sẽ giúp ích cho các bạn phần nào trong quá trình đầy gian nan này.
➤➤ Xem thêm: ACCA từ góc nhìn của giảng viên Hà Long Giang