Giới thiệu tổng quan

Viết CV như thế nào để "ăn điểm" với nhà tuyển dụng của Big4?

Có thể nói CV là “lá thư chào hàng” của ứng viên bởi nó là công cụ tuyển dụng giúp nhà tuyển dụng bước đầu hiểu về năng lực và các thông tin nghề nghiệp thông qua lời chia sẻ, đánh giá của chính ứng viên. Theo đánh giá, vòng nộp hồ sơ (CV) là vòng có tỷ lệ loại cao nhất do số lượng đầu vào của từng Big khá cao, trung bình dao động từ 1000 - 3000 hồ sơ cho mỗi đợt tuyển dụng. Trong bài viết này, BISC sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin cũng như hướng dẫn bạn cách viết CV sao cho thật ấn tượng với nhà tuyển dụng của Big4 để “ăn đứt” các ứng viên khác.

CV là gì?

CV (Curriculum Vitae) hay còn gọi là sơ yếu lý lịch, tóm tắt những thông tin cơ bản của ứng viên như trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc hay các kỹ năng liên quan tới công việc mà ứng viên muốn ứng tuyển. Không chỉ riêng Big4 mà hầu hết các công ty lớn nhỏ khác hiện nay đều xem CV là yếu tố quan trọng, giúp nhà tuyển dụng đánh giá và xem xét từng ứng viên.

➤➤ Xem thêm: Big4 là gì?

Theo một cuộc khảo sát do Eric Hilden tổ chức vào năm 2010 cho thấy, những yếu tố được nhà tuyển dụng tìm kiếm trong CV của ứng viên gồm:

  • Kinh nghiệm ở những công việc liên quan chiếm 45%
  • Trình độ chuyên môn và kỹ năng chiếm 35%
  • CV dễ đọc, dễ nhìn chiếm 25%
  • Thành tích của ứng viên chiếm 16%
  • Ngữ pháp và chính tả chiếm 14%
  • Học vấn chiếm 9%
  • Khao khát thành công chiếm 9%
  • Có mục tiêu rõ ràng chiếm 3%
  • Những từ khóa, thông tin liên hệ, kỹ năng tin học, trải nghiệm cá nhân… chiếm 5%

Nội dung và hình thức trong CV ứng tuyển vào Big4

Như ở trên đã đề cập, do số lượng CV nộp về trong từng đợt tuyển dụng của các Big là rất lớn, do đó nhà tuyển dụng chỉ có thể dành một khoảng thời gian rất ngắn để đánh giá CV của bạn. Vậy nên bạn phải lưu ý cả về yếu tố nội dung lẫn yếu tố hình thức trình bày để có thể “ghi điểm” tuyệt đối với nhà tuyển dụng.

I - Nội dung cần có trong CV ứng tuyển vào Big4

Trong bản CV, bạn cần đảm bảo phải có đầy đủ những thông tin sau:

  • Thông tin cá nhân và thông tin liên lạc của ứng viên
  • Học vấn và trình độ chuyên môn
  • Kinh nghiệm làm việc
  • Hoạt động ngoại khóa
  • Các kỹ năng của bản thân: Kỹ năng mềm, Kỹ năng ngoại ngữ, Kỹ năng tin học,...
  • Các thông tin khác: Mục tiêu nghề nghiệp, Sở thích, Tính cách, Giải thưởng, Người tham chiếu,...

1/ Thông tin cá nhân và thông tin liên lạc (Personal information)

Phần lớn các CV đều bắt đầu từ thông tin cá nhân và thông tin liên lạc, nhưng không phải bản kê khai “tất tần tật” mà cần phải kê khai thông tin một cách có chọn lọc.

Các thông tin cần có trong mục này bao gồm:

  • Họ và tên (Name)
  • Ngày tháng năm sinh (Date of Birth)
  • Địa chỉ thường trú (Address)
  • Số điện thoại (Phone Number)
  • Email

Riêng đối với Email, bạn nên sử dụng email có chứa tên thật (Ví dụ: lemaianh1605@gmail.com), tránh sử dụng các email thiếu chuyên nghiệp như pemeokute@gmail.com …

2/ Học vấn và trình độ chuyên môn (Education)

Đây là một phần quan trọng và rất được nhà tuyển dụng để ý, do đó bạn nên chú ý làm cho nó thật nổi bật.

Với mục học vấn, bạn nên đưa vào các thông tin như: Tên cấp độ học vấn, Tổ chức cung cấp học vấn, Ngày tháng học tập (sắp xếp theo thứ tự từ hiện tại lui dần về quá khứ), Chuyên ngành, GPA, Một số môn học liên quan đến vị trí ứng tuyển,...

Riêng về phần các môn học liên quan, bạn hãy lựa chọn những môn chuyên ngành như Kế toán tài chính, Kiểm toán, Kế toán quản trị... có điểm cao (khoảng điểm 8 trở lên); tránh liệt kê một loạt các môn học chung như Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam hay Tư tưởng Hồ Chí Minh,... (mặc dù điểm các môn đó rất cao).

Ngoài ra, bạn nên đề cập tới điểm thi của các môn trong chứng chỉ ACCA như: MA/F2, FA/F3, PM/F5, TX/F6, FR/F7, AA/F8, APM/P5, AAA/P7,.... hoặc các chứng chỉ khác như ACA hay CPA,... mà bạn đã và đang theo đuổi, đây sẽ là một điểm cộng “đắt giá” trong CV của bạn đối với mọi nhà tuyển dụng.

3/ Kinh nghiệm làm việc (Experiences)

Kinh nghiệm làm việc có thể được coi là mục quan trọng nhất trong CV của bạn mà hầu hết các nhà tuyển dụng chú ý nghiên cứu rất kỹ.

Tương tự như trình bày về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc của bạn cũng nên được trình bày theo thứ tự từ hiện tại lui dần về quá khứ. Với mục này, bạn nên đưa vào những công việc có liên quan tới ngành Kế toán, Kiểm toán hoặc Tài chính, trong đó có chú thích rõ: Tên cơ quan, tổ chức mà bạn làm việc, Vị trí, Thành tích, Thời gian, Kinh nghiệm tích lũy được khi làm ở vị trí đó là gì và chỉ ra kinh nghiệm đó sẽ giúp ích gì cho vị trí mà bạn đang apply vào Big4.

Bạn không nên đưa vào những công việc không liên quan như chạy bàn, bán quần áo,... vào CV vì nó sẽ làm “loãng” CV của bạn.

4/ Hoạt động ngoại khóa (Social Activities)

Với mục hoạt động ngoại khóa, bạn không chỉ nên liệt kê những hoạt động ngoại khóa như: tham gia CLB, hoạt động Đoàn hội,... mà bạn còn nên nêu rõ ràng vị trí, thời gian tham gia, thành tích và kinh nghiệm, kỹ năng mà bạn đã tích lũy được trong thời gian hoạt động. Đây sẽ là yếu tố giúp bạn thể hiện trách nhiệm, sự năng động của bạn đối với nhà tuyển dụng của Big4.

5/ Các kỹ năng của bản thân

Một số kỹ năng liên quan đến ngành Kế toán, Kiểm toán khi apply vào Big4 mà bạn có thể đề cập đến như:

  • Kỹ năng tin học (đặc biệt là Excel)
  • Kỹ năng Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh)
  • Kỹ năng mềm: kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập...

Với phần kỹ năng, bạn nên dùng thang điểm để tự chấm điểm cho mình trên thang điểm 10 hoặc đánh giá trên các mức: Yếu, Trung bình, Khá và Giỏi để nhà tuyển dụng hình dung rõ hơn về trình độ của bạn.

➤➤ Xem thêm: Kỹ năng tin học văn phòng khi ứng tuyển vào Big4

6/ Các thông tin khác (Other information)

Một số thông tin khác mà bạn nên đề cập thêm vì nó cũng không kém phần quan trọng như:

  • Mục tiêu nghề nghiệp (Career Objective): bạn hãy mô tả một chút về mục tiêu, định hướng phát triển ngắn hạn và dài hạn của bản thân. Mục tiêu nghề nghiệp cần mô tả đầy đủ nhưng vẫn phải ngắn gọn, súc tích và phải liên quan đến vị trí mà bạn ứng tuyển vào Big4.
  • Sở thích và tính cách (Hobbies and Characteristics): thực ra phần này không quá quan trọng, bạn chỉ nên nêu những điều đúng nhất với bản thân, tốt hơn hết là có công việc đến công việc Kế toán, Kiểm toán.
  • Giải thưởng (Awards): bạn nên đề cập đến tên, thời gian mà bạn đạt được các giải thưởng đó và sắp xếp theo thứ tự thời gian từ hiện tại đến quá khứ, đây cũng là một điểm cộng trong CV của bạn trong mắt nhà tuyển dụng,
  • Người tham chiếu (Reference): đây là người mà nhà tuyển dụng có thể liên hệ để xác nhận những thông tin mà bạn đã đề cập trong CV là đúng. Phần này có thể có hoặc không, nếu cần thiết, bạn nên để lại thông tin của 2 người, có thể là giáo viên hoặc sếp cũ của bạn.

II - Hình thức CV ứng tuyển vào Big4

1 - Một số lưu ý cho một CV ứng tuyển vào Big4

Khi chuẩn bị CV ứng tuyển vào Big4, bạn nên lưu ý một số điều sau:

  • Bố cục khoa học, rõ ràng, hoàn chỉnh.
  • CV có đầy đủ thông tin nhưng phải thật ngắn gọn, chỉ khoảng 1-2 trang A4, hãy sử dụng các dấu gạch đầu dòng để tóm tắt.
  • Lựa chọn font chữ 12, kiểu chữ chuyên nghiệp (có thể chọn Times New Roman, Tahoma hoặc Arial), dãn cách dòng hợp lý.
  • Màu chữ dễ đọc (chỉ nên lựa chọn 1-2 màu chủ đạo), có thể lấy màu theo firm. Ví dụ: Deloitte màu xanh đậm, EY màu vàng xám, KPMG màu xanh dương, PwC màu cam.
  • Ảnh ứng viên ở CV phải phù hợp, trang trọng, trực diện.
  • Bạn nên để định dạng CV có đuôi “.pdf” trước khi gửi nhà tuyển dụng để thể hiện sự chuyên nghiệp cũng như tránh trường hợp lỗi định dạng.

2 - Các lỗi thường mắc trong CV ứng tuyển vào Big4 của ứng viên

  • 70% ứng viên viết ngày tháng không theo trình tự
  • Nội dung viết không rõ ràng, lộn xộn, nhiều thông tin thừa
  • CV không có sự sáng tạo hoặc sáng tạo quá đà
  • Viết các công việc làm thêm không liên quan tới công việc đang apply
  • Đưa toàn bộ bảng điểm vào CV (nếu cần thiết, nên đính kèm riêng bảng điểm gửi cho nhà tuyển dụng)
  • Lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, câu cú lủng củng, gây khó hiểu cho nhà tuyển dụng
  • Phần liên hệ để thông tin liên hệ bản thân

Khi apply vào Big4, bạn có thể chuẩn bị CV theo 2 dạng: CV tự thiết kế hoặc theo form của nhà tuyển dụng. BISC khuyên các bạn nên dành thời gian tự thiết kế CV của chính mình một cách nghiêm túc bởi số lượng CV nộp về cho từng Big là rất lớn, do đó bạn cần có một CV với nội dung thật ấn tượng và hình thức thật cuốn hút. GPA cao là một lợi thế nhưng nếu thành tích học tập của bạn chưa được tốt, bạn nên làm nổi bật các thế mạnh khác của bạn như: kinh nghiệm làm việc, chứng chỉ, bằng cấp, khả năng ngoại ngữ,... đặc biệt là chứng chỉ ACCA do Hiệp hội Kế toán công chứng Vương quốc Anh cấp.

Hiện nay, lịch khai giảng các khóa học ACCA đã được cập nhật trên website của BISC, các bạn hãy truy cập vào website hoặc fanpage để tìm hiểu thông tin chi tiết về các khóa học nhé!

➤➤ Lịch khai giảng: https://bisc.edu.vn/acca#lichkhaigiang

➤➤ Fanpage:

https://www.facebook.com/BISCTrainingCenter/

https://www.facebook.com/daotaoACCA.ThuchanhKetoan.Kiemtoan.Kynang/

Qua bài viết này, BISC hy vọng đã giúp bạn có thêm những kiến thức để trình bày CV khi apply vào Big4. Chúc bạn có một kỳ ứng tuyển thành công!


GIẢNG VIÊN

Hà Long Giang, FCCA, CPA

Hà Long Giang, FCCA, CPA

Trưởng ban Kiểm soát nội bộ - IC&D Việt Nam

halonggiang@gmail.com

11 năm kinh nghiệm giảng dạy, luôn duy trì tỷ lệ học viên thi đỗ cao, thường xuyên có học viên đạt Prize Winner các kỳ thi do ACCA tổ chức

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Sau khi đăng ký thành công, chuyên viên của BISC sẽ liên hệ lại với bạn ngay trong ít phút!