Bí quyết sử dụng các nguồn tài liệu ACCA hiệu quả
ACCA là một chương trình gồm 15 môn học liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau như Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Quản trị,... đây là một nấc thang quan trọng không những giúp bạn trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn giúp bạn sở hữu danh vị danh giá được công nhận trên toàn thế giới. Với số lượng môn học và kiến thức khổng lồ như vậy, chắc hẳn việc lựa chọn tài liệu học tập cũng là một vấn đề mà tất cả học viên ACCA quan tâm. Trong bài viết này, thầy Vũ Văn Định, ACCA - giảng viên tại BISC sẽ chia sẻ cho các bạn cụ thể hơn về các nguồn tài liệu ACCA uy tín và hữu ích trong quá trình chinh phục chương trình này nhé!
Trong bài viết, thầy Định sẽ chia sẻ với các bạn về một số nguồn tài liệu tự học hiệu quả nhất bao gồm:
- Trang web ACCA
- Sách giáo khoa (Study text) và sách bài tập (Revision Kit)
- Trang web Opentuition
Trong đó, mục 1 và mục 3 sẽ là free đối với các bạn, duy chỉ có mục số 2 bạn sẽ phải mất chi phí khoảng 150k để photo sách từ các bạn đi trước hoặc mua từ các trung tâm giảng dạy.
1. Website ACCA
Có lẽ không một ai học ACCA mà không biết đến hoặc chưa từng thử vào trang web https://www.accaglobal.com/, trang chủ của ACCA - một trong những nguồn tài liệu học vô cùng phong phú đối với các bạn học viên. Không giống như các kỳ thi ở trường Đại học, ACCA public tất các các bài thi, bài giải cũng như nhận xét của Giám khảo đối với tất cả 16 môn trong chương trình. Chúng ta cùng nhau khám phá nguồn tài liệu này nhé (ví dụ cụ thể với môn PM/F5 – Performance Management)
Website ACCA
1.1 Syllabus and study guide (tạm gọi là SS) (dùng khi bắt đầu tự học)
SS được thiết kế như một mục lục cho cuốn study text của bạn, trong đó được thiết kế theo từng phần (part), trong mỗi phần sẽ có tên của từng chương một. Một điều khá thú vị của SS là không dừng lại ở việc liệt kê tên của từng chương, SS còn nói thêm về nội dung chính của từng chương. Đây cũng chính là những kiến thức mà ACCA mong muốn và yêu cầu bạn nắm vững khi học xong môn này. Do đó, bước đầu tiên của việc tự học, đó là download SS về, đọc kỹ nội dung trong đó nhé.
1.2 Technical article (tạm gọi là TA) (dùng trong khi học)
TA giống như 1 cuốn sách ôn tập nâng cao vậy. Đây là 1 loạt các bài viết của các giảng viên ACCA uy tín hoặc các giám khảo ACCA về một chủ đề nhất định, do đó, mỗi bài viết, tác giả sẽ cố gắng tóm gọn nội dung về chủ đề đó cũng như 1 loạt các ví dụ đi kèm. Do được các chuyên gia tóm gọn, đây là 1 tài liệu rất dễ hiểu và quan trọng đối với người tự học. Trong trường hợp bạn chưa kịp có đủ thời gian để đọc sách và làm bài tập, nếu đọc được 1 bài TA về chủ đề đó thì cũng nắm được những thông tin cần thiết nhất liên quan tới chủ đề đó.
Tuy nhiên, mình sẽ không khuyến khích việc chỉ đọc TA mà không đọc sách và làm bài tập nhé. TA sẽ thực sự hữu hiệu nếu các bạn đã đọc sách, làm bài tập cơ bản tốt rồi và sau đó, đọc TA như là 1 nguồn tài liệu bổ sung thôi.
1.3 Past exams (tạm gọi là PE) (dùng ở giai đoạn ôn tập cuối cùng)
Đây là một trong những tài liệu quan trọng nhất của người tự học ACCA với rất nhiều đề thi và đáp án để các bạn có thể luyện tập. Mình khuyến khích mọi người bắt đầu làm đề khi đã học được tương đối vững và làm được nhiều bài tập trong sách bài tập (ít nhất 1,2 bài mỗi dạng). Luyện đề sẽ giúp các bạn rèn được khả năng quản lý thời gian, một kỹ năng rất quan trọng trong ACCA. Mỗi môn thi các bạn nên luyện tập làm được từ 5-7 đề nhé.
1.4 Examiner report (tạm gọi là ER) (dùng cùng lúc với lúc làm PE)
Cũng như TA, ER là một trong những tài liệu quý báu hay bị bỏ quên nhất đối với các bạn học viên. Vậy ER là gì và tại sao lại quan trọng như vậy
ER là bài tổng kết hàng kỳ của giám khảo sau quá trình chấm bài thi của hàng ngàn thí sinh trên toàn thế giới. Nội dung chính của ER là chỉ ra yêu cầu của giám khảo đối với thí sinh trong từng cầu hỏi một cũng như các lỗi sai của các thí sinh hay mắc phải. Vì thế, ER quan trọng là giúp chúng ta có thể biết được đâu là những lỗi sai hay gặp và giúp cho bản thân mình tránh được các lỗi sai đó. Rất quan trọng đúng không các bạn?
ER sẽ thực sự phát huy sau khi các bạn làm đề thi, đọc đáp án và sau đó đọc ER để rút ra những lỗi sai của bản thân mình, đối chiếu xem mình có gặp phải những lỗi mà examiner đưa ra không. Mình tin rằng sau khi làm từ 5-7 đề các bạn sẽ tránh được gần hết các lỗi sai đó. Và đương nhiên, càng ít lỗi thì cơ hội đỗ của các bạn cũng cao hơn rất nhiều.
2. Sách giáo khoa, sách bài tập (textbook and revision kit)
Hiện nay, sách giáo khoa và sách bài tập dùng cho ACCA chủ yếu của nhà xuất bản BPP và Kaplan, bản thân mình dùng sách của BPP trong hết 14 môn của ACCA nên đánh giá sách của BPP khá tốt.
Vậy để tự học ACCA, cách sử dụng 2 cuốn sách này sẽ như nào sao cho hiệu quả:
2.1 Sách giáo khoa
Thực sự thì sách giáo khoa (textbook) khá dày và ít người có thể đọc 1 lèo quyển sách xong là có thể nắm vững được kiến thức của môn đó. Tuy nhiên, sách giáo khoa vẫn có những mẹo nhỏ để sử dụng nó đem lại nhiều lợi ích nhất, ví dụ như:
- Đọc trước chapter round up (tóm tắt chương ở cuối mỗi chương) để nắm được chương đó nói về gì.
- Giả sử làm bài tập mà phần giải có nói đến 1 từ/cụm từ mà bạn không biết nó nằm ở chương nào, có thể mở mục index ở cuối sách, tra từ/cụm từ đó xem nó xuất hiện ở chương nào và đọc trọn vẹn chương đó để hiểu hết ý của từ/cụm từ đó.
- Trong mỗi chương, nên lưu ý ở những mục như “exam focus point”, đó là phần mà hay thi vào.
2.2 Sách bài tập
So với sách giáo khoa thì mình tâm đắc sách bài tập hơn, vì đây là nơi mình có thể luyện tập được nhiều kỹ năng làm bài nhất. Lý tưởng nhất theo mình là làm hết các bài tập thôi, tuy nhiên đối với những bạn không có đủ thời gian để làm hết, mình có 1 số gợi ý sau:
- Ở mục lục đầu cuốn sách có chia thành các dạng bài và những bài tập tương ứng của dạng bài đó, trong đó, các bạn nên làm bài được đóng ô vuông trước vì đó là những bài tập điển hình của mỗi dạng.
- Đối với P level, nên học theo cách trình bày của BPP để lấy đủ số điểm trình bày (presentation marks), thường lên đến 6 - 7 điểm.
- Trường hợp đọc đáp án của các past exams do ACCA đưa ra không hiểu/hoặc cảm thấy khó áp dụng được, có thể xem cách mà BPP trình bày lại, thường là dễ hiểu hơn và dễ trình bày hơn.
- Mỗi dạng bài nên làm 2 bài trở lên để confirm lại kiến thức của mình 1 lần nữa.
- Thông thường mỗi bài tập, BPP đều đưa vào phần giải các nhận xét của giám khảo về bài làm của thí sinh và các lỗi sai hay mắc phải. Nên đọc để đảm bảo mình không bị sai các lỗi đó.
- Khi làm bài tập trong sách bài tập thì việc làm sai là điều ko thể tránh khỏi, tuy nhiên các bạn hãy kiên trì đọc lại sách giáo khoa, nghỉ ngơi 1, 2 ngày rồi làm lại bài đó để hiểu kỹ lại kiến thức nhé. Hồi mình học F7 - Financial Reporting, mỗi bài mình đều làm đến 3 lần, lần 1 sai đến mức không dám nhìn bài làm của mình, lần 2 thì khá hơn nhưng vẫn sai. Đến lần 3 là lần ôn tập cuối cùng trước khi thi thì khá hơn 1 chút
3. Opentuition.com
Opentuition - Nguồn tài liệu tự học ACCA được đánh giá cao
Opentuition có khá nhiều dữ liệu hay lại miễn phí. Tùy vào từng môn học, tuy nhiên mình thấy mỗi môn đều có phần note/lectures. Các bạn có thể download về và đọc thay cho sách giáo khoa để tiết kiệm thời gian, sau đó bắt tay vào làm bài tập. Đoạn nào không hiểu lại dùng sách giáo khoa như 1 nguồn chính thống hơn.
Trên đây là toàn bộ các tài liệu mà mình thường sử dụng để tự học ACCA. Dù là tài liệu gì đi nữa, quan trọng nhất vẫn là các bạn dành đủ thời gian để nghiền ngẫm kiến thức và luyện các kỹ năng làm bài nhé.
Chúc các bạn thành công hơn trong quá trình học và tự học ACCA!
➤➤ Xem thêm: Học ACCA là phải vào Big4?