[Kiến thức môn ACCA Financial Reporting] Tìm hiểu về Statement of Comprehensive Income
Môn học Financial Reporting thuộc cấp độ Applied Skills trong chương trình ACCA. Trong các kỳ gần đây, tỷ lệ học viên thi và đỗ môn học này trung bình khoảng 45% - một tỷ lệ khá cao so với các môn học khác trong cùng cấp độ. Statement of Comprehensive Income (tạm dịch: Báo cáo thu nhập toàn diện) là một trong các loại báo cáo tài chính của doanh nghiệp, được đề cập rất nhiều trong môn học Financial Accounting và Financial Reporting. Bên cạnh đó, Statement of Comprehensive Income là một trong các báo cáo căn bản và được ứng dụng trong nhiều môn học khác trong chương trình học ACCA nói riêng và chương trình về Kế toán - Tài chính nói chung.
Trong bài viết này, BISC sẽ cùng các bạn tìm hiểu chi tiết nội dung của Statement of Comprehensive Income nhé!
1. Khái quát chung về Statement of Comprehensive Income
Trước đây, báo cáo về thu nhập toàn diện được đặt tên là Income Statement. Tuy nhiên, Chuẩn mực kế toán số 01 - IAS 01: Presentation of Financial Statements đã có sự điều chỉnh tên gọi thành Statement of Comprehensive Income. Báo cáo phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ, hướng tới 2 chỉ tiêu là “Profit or Loss” - Lãi lỗ từ quá trình sản xuất kinh doanh và “Other comprehensive income” - các thu nhập toàn diện khác.
Profit or Loss được tính bằng tổng các khoản thu nhập trong kỳ của doanh nghiệp trừ đi phần chi phí bỏ ra tương ứng, không tính đến khoản mục Other Comprehensive Income được nêu ở dưới đây.
Một số ví dụ thường gặp trong môn học Financial Reporting về Other Comprehensive Income bao gồm:
- Thay đổi trong việc đánh giá tại tài sản theo quy định của Chuẩn mực kế toán quốc tế số 16 - IAS 16: Property, Plant and Equipment và Chuẩn mực kế toán quốc tế số 38 - IAS 38: Intangible Assets
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái trong việc quy đổi ngoại tệ để phản ánh lên Báo cáo theo quy định của Chuẩn mực kế toán quốc tế số 21 - IAS 21: The Effects of Changes in Foreign Exchange Rates
- Chênh lệch lãi hoặc lỗ trong việc tính toán lại giá trị của của tài sản tài chính có thể thanh lý được, theo quy định của Chuẩn mực kế toán quốc tế số 39 - IAS 39: Financial Instruments: Recognition and Measurement
Như vậy, Comprehensive Income - thu nhập toàn diện, tính bằng tổng của Profit or Loss và Other comprehensive income, được định nghĩa là sự thay đổi của vốn chủ sở hữu trong kỳ, là kết quả của các sự kiện và giao dịch kinh tế phát sinh, không tính đến các sự thay đổi do các giao dịch liên quan đến các cá nhân với tư cách là chủ doanh nghiệp, ví dụ như rút vốn.
2. Cấu trúc chung của Statement of Comprehensive Income
Thông thường, các bạn sẽ gặp mẫu báo cáo về Statement of Comprehensive Income gồm các khoản mục cơ bản sau:
Sales/ Revenue - Doanh thu bán hàng | X |
Cost of goods sold (COGS/COS) - Giá vốn hàng bán
| (X) |
Gross profit - Doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh
| X |
General administrative expense - Chi phí quản lý chung | (X) |
Selling and distribution expense - Chi phí bán hàng | (X) |
Finance Income - Doanh thu tài chính | X |
Finance Cost - Chi phí tài chính | (X) |
Other gain/loss - Thu nhập/ Chi phí khác | X |
Profit before tax - Lợi nhuận trước thuế | X |
Current income tax - Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành | (X) |
Deferred tax - Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại | (X) |
Profit after tax (Net profit) - Lợi nhuận sau thuế | X |
Other comprehensive income - Thu nhập toàn diện khác | X |
Total comprehensive income - Tổng thu nhập toàn diện | X |
3. Những yêu cầu khi trình bày Statement of Comprehensive Income
Để phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh, một doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai hình thức báo cáo dưới đây:
Thứ nhất, doanh nghiệp đưa ra một báo cáo chung, gọi là Statement of Comprehensive Income, hay Statement of Profit or Loss and Other Comprehensive Income. Khi đó, phần lãi, lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các thu nhập khác được phản ánh trong cùng 1 báo cáo, nhưng nằm ở 2 phần khác nhau.
Thứ hai, doanh nghiệp có thể đưa ra 2 báo cáo riêng biệt, trong đó một báo cáo phản ánh lãi và lỗ trong kỳ, gọi là Statement of Profit or Loss, và một báo cáo phản ánh tổng các thu nhập trong kỳ, gọi là Statement of Comprehensive income.
Ngoài ra, bên cạnh các khoản mục phổ biến đã nêu trên, một số khoản mục nhất định cần được trình bày tách biệt trong báo cáo, hoặc được thuyết minh riêng, bao gồm:
- Việc ghi giảm giá trị hàng tồn kho: ghi nhận theo giá trị thuần có thể thực hiện được; ghi giảm giá trị của tài sản cố định theo giá trị có thể thanh lý thu hồi được, cũng như việc hoàn nhập sau khi ghi giảm các khoản đó
- Việc thanh lý, bán các tài sản cố định, các khoản đầu tư
- Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các khoản dự phòng cho chi phí liên quan đến việc tái cấu trúc đó
- Việc ngừng một hoạt động sản xuất kinh doanh
- Các khoản chi phí liên quan để giải quyết các việc kiện tụng
- Các khoản hoàn nhập dự phòng khác
Trên đây là các thông tin cơ bản liên quan đến Báo cáo thu nhập toàn diện - Statement of Comprehensive Income. Hy vọng sau bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về loại báo cáo này và dễ dàng tiếp cận môn học Financial Reporting trong chương trình ACCA. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo khóa học thử môn học Financial Reporting hoàn toàn MIỄN PHÍ của thầy Hà Long Giang tại Website học Online của BISC tại đây
Chúc các bạn học tập thật tốt!