[Kiến thức môn ACCA Financial Reporting] Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ
Một trong những yêu cầu của Báo cáo tài chính là cần được trình bày trung thực và hợp lý. Có một số sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ lại có ảnh hưởng tới thông tin tài chính được phản ánh trong Báo cáo tài chính cuối kỳ trước. Ví dụ, Ban Giám đốc ước tính rằng giá trị hàng tồn kho của Công ty tại ngày 31/12 năm trước là 500 triệu đồng, trong khi sang năm kế tiếp, một số sự kiện phát sinh lại cung cấp thông tin rằng giá trị hàng tồn kho tại ngày 31/12 của kỳ toán trước chỉ đạt 300 triệu. Vậy, liệu thông tin về giá trị phản ánh liên quan đến hàng tồn kho trên có chính xác?
Chúng ta có thể thấy rằng việc quan tâm đến các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ là vô cùng quan trọng. Ảnh hưởng của các sự kiện này tới Báo cáo tài chính là gì, và có phải tất cả các sự kiện diễn ra đều có ảnh hưởng không? Cùng BISC tìm hiểu phần hành kiến thức thú vị trong môn FR/F7 - Financial Reporting trong bài viết này nhé!
1. Khái niệm về các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ
Theo định nghĩa được nêu trong Chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 10, đây là các sự kiện phát sinh trong khoảng thời gian từ sau ngày khóa sổ đến ngày phát hành Báo cáo tài chính, có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Có hai loại sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là:
- Các sự kiện cần điều chỉnh: là những sự kiện cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính và yêu cầu điều chỉnh trước khi lập Báo cáo tài chính.
- Các sự kiện không cần điều chỉnh: là những sự kiện cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính và không yêu cầu điều chỉnh trước khi lập Báo cáo tài chính.
Đối với bài thi FR/F7 - Financial Reporting và FA/F3 - Financial Accounting, các bạn có thể yêu cầu phân biệt hai sự kiện này. Khi đó, chúng ta cần đặt câu hỏi: liệu sự kiện này có ảnh hưởng đến thông tin được ghi nhận trên Báo cáo tài chính của kỳ kế toán trước hay không.
2. Phân biệt sự kiện điều chỉnh và không điều chỉnh
Đối với bài thi FR/F7 - Financial Reporting và FA/F3 - Financial Accounting, các bạn có thể được yêu cầu phân biệt hai sự kiện này. Khi đó, chúng ta cần đặt câu hỏi: liệu sự kiện này có ảnh hưởng đến thông tin được ghi nhận trên Báo cáo tài chính của kỳ kế toán trước hay không. Cùng xem xét một số ví dụ dưới đây:
- Đối với sự kiện liên quan đến Hàng tồn kho
(1) Tại ngày kết thúc niên độ (giả sử là ngày 31/12/N), giá trị hàng tồn kho được ghi nhận là 500 triệu. Sang ngày 05/1/N+1, doanh nghiệp bán Hàng tồn kho với giá trị 300 triệu đồng.
Theo chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 02, Hàng tồn kho sẽ được ghi nhận theo giá trị thấp hơn giữa nguyên giá và giá trị thuần có thể thực hiện được. Sự kiện trên cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về giá trị thực tế của hàng tồn kho tại ngày 31/12/N. Do đó đây là sự kiện cần điều chỉnh.
(2) Sang năm tài chính kế tiếp, doanh nghiệp chịu thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn tại ngày 31/1/N+1 và 1 nửa lượng hàng tồn kho không thể sử dụng được.
Sự kiện này không ảnh hưởng đến giá trị hàng tồn kho tại ngày 31/12/N mà cung cấp thông tin về tình trạng hàng tồn kho tại ngày 31/1/N+1. Do đó đây là sự kiện không điều chỉnh.
- Đối với sự kiện liên quan đến các vụ kiện tụng
Tại ngày 31/1/N+1, công ty nhận được thông báo về tòa án liên quan đến vụ kiện diễn ra trong năm trước đó. Công ty phải đền bù thiệt hại là 300 triệu đồng và khoản tổn thất này chưa được trích lập dự phòng vào ngày 31/12/N.
Sự kiện này đã cung cấp thông tin đáng tin cậy về nghĩa vụ nợ phải trả của công ty vào ngày 31/12/N, do đó đây là sự kiện có điều chỉnh.
Như vậy, với các khoản kiện tụng đã phát sinh vào năm N, và sang năm N+1 có một số thông tin về tổn thất, lợi ích và các nghĩa vụ chắc chắn là sự kiện điều chỉnh của doanh nghiệp.
- Đối với vấn đề hoạt động liên tục
Nếu Công ty xác nhận có một vấn đề liên quan đến giải thể doanh nghiệp, ngừng sản xuất kinh doanh hay, thu hẹp quy mô một cách đáng kể hay tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp không được phép lập Báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục. Khi đó, doanh nghiệp phải thay đổi cơ sở lập Báo cáo (thành Break - up basis) chứ không phải chỉ điều chỉnh số liệu đã ghi nhận theo cơ sở ban đầu.
3. Câu hỏi trắc nghiệm
Để hiểu hơn các ví dụ nêu trên, các bạn có thể tham khảo câu trắc nghiệm dưới đây trong môn học FR/F7 - Financial Reporting để hiểu rõ hơn nhé!
Câu hỏi: Which of the following events taking place after the year end but before the financial statements were authorised for issue would require adjustment in accordance with IAS 10 Events After the Reporting Period?
A. Three lines of inventory held at the year end were destroyed by flooding in the warehouse.
B. The directors announced a major restructuring.
C. Two lines of inventory held at the year end were discovered to have faults rendering them unsaleable.
D. The value of the company's investments fell sharply.
Câu hỏi trên yêu cầu xác định sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ cần điều chỉnh. Câu trả lời đúng là C - Có 2 dòng sản phẩm đã được phát hiện ra lỗi dẫn đến việc không thể bán được hàng. Sự kiện này cung cấp bằng chứng trực tiếp về giá trị thực tế của khoản hàng tồn kho của doanh nghiệp tại ngày cuối kỳ.
Đáp án A - 3 dòng sản phẩm bị phá hoại bởi lũ lụt: sự kiện này cung cấp thông tin liên quan đến giá trị hàng tồn kho tại ngày chịu tổn thất bởi thiên tai, không ảnh hưởng đến giá trị hàng tồn kho tại ngày khóa sổ.
Đáp án B liên quan đến việc thu hẹp quy mô đáng kể. Doanh nghiệp cần xem xét vấn đề này và nếu điều kiện hoạt động liên tục không được đáp ứng, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi cơ sở lập báo cáo tài chính, không phải chỉ điều chỉnh số liệu trên cơ sở hoạt đột liên tục.
Đáp án D liên quan đến giá trị các khoản đầu tư của doanh nghiệp bị giảm mạnh. Việc giảm giá trị này không xảy ra vào năm tài chính trước đó và không ảnh hưởng đến giá trị phản ánh trên Báo cáo tài chính tại ngày ghi sổ, nên là sự kiện không điều chỉnh.
Trên đây là một số kiến thức liên quan đến sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ. BISC chúc các bạn học tập và ôn tập thật tốt cho kì thi ACCA sắp tới!