[Kiến thức môn ACCA Financial Reporting] 5 bước ghi nhận doanh thu theo IFRS 15

[Kiến thức môn ACCA Financial Reporting] 5 bước ghi nhận doanh thu theo IFRS 15

Đối với một doanh nghiệp, việc ghi nhận doanh thu là một vấn đề khó và dễ xảy ra sai phạm. Chuẩn mực Kế toán quốc tế IFRS 15 - Revenue from Contracts with Customer (doanh thu từ hợp đồng với khách hàng) đã chỉ ra các quy định liên quan đến ghi nhận doanh thu. Sự ra đời của IFRS 15 đã thay thế cho IAS 11 - Construction Contract (Hợp đồng xây dựng) và IAS 18 - Revenue (Doanh thu) và các quy định khác có liên quan về ghi nhận doanh thu.  

Một điểm lưu ý trong chuẩn mực là IFRS 15 dựa trên nguyên tắc: doanh thu được ghi nhận khi chuyển giao quyền kiểm soát hàng hóa hoặc dịch vụ cho khách hàng (thay vì chuyển giao rủi ro và lợi ích cho khách hàng).

Trong bài viết này, BISC sẽ cùng các bạn tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về việc ghi nhận doanh thu theo IFRS 15 nhé, đây là một phần kiến thức rất quan trọng và thú vị trong môn Financial Reporting đấy!

1. Các hợp đồng không được áp dụng theo IFRS 15

Theo chuẩn mực Kế toán quốc tế, việc ghi nhận doanh thu được quy định tại IFRS 15: Revenue from Contracts with Customer. Chuẩn mực áp dụng với tất cả các hợp đồng phát sinh, ngoại trừ một số trường hợp sau:

  • Hợp đồng cho thuê - được hướng dẫn bởi IFRS 16 - Leases (Thuê)
  • Các công cụ tài chính và các quyền và nghĩa vụ hợp đồng khác - được hướng dẫn bởi IFRS 9 - Financial Instruments (Công cụ tài chính), IFRS 10 - Consolidated Financial Statements (Báo cáo tài chính hợp nhất), IFRS 11 - Joint Arrangements (Hợp đồng chung), IAS 27 - Separate Financial Statements (Báo cáo tài chính riêng),
  • IFRS 4 - Insurance Contracts (Hợp đồng bảo hiểm)
  • Giao dịch trao đổi phi tiền tệ giữa các đơn vị trong cùng ngành nghề kinh doanh để hỗ trợ cho việc bán hàng cho các khách hàng hoặc cho các khách hàng tiềm năng

2. Các bước ghi nhận doanh thu theo IFRS 15

Theo hướng dẫn của chuẩn mực, 5 bước ghi nhận doanh thu bao gồm:

Bước 1: Xác định hợp đồng với khách hàng

Một hợp đồng sẽ tạo ra các quyền và nghĩa vụ phải được thực thi. Hợp đồng có thể được ghi dưới dạng văn bản, bằng lời nói, hoặc ngầm hiểu bởi thông lệ kinh doanh thông thường.

Bước 2: Xác định các nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng

Nghĩa vụ thực hiện được hiểu là những cam kết trong hợp đồng về chuyển giao hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.

Bước 3: Xác định giá trị hợp đồng

Giá trị giao dịch là tổng giá trị mà doanh nghiệp nhận được từ khách hàng đối với hợp đồng đó.

Bước 4: Phân bổ giá trị giao dịch để thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng

Giá trị giao dịch cần được phân bổ cho các nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng theo tỉ lệ tương ứng với giá bán lẻ của hàng hóa hay dịch vụ.

Ví dụ thường gặp nhất là hàng hóa tặng kèm. Mua 1 chai dầu ăn giá 50.000 được tặng kèm một gói bột nêm giá là 14.000 đồng, thì giá trị hợp đồng phải được phân bổ cho cả 2 sản phẩm, theo tỉ lệ 50.000 : 14.000.

Bước 5: Ghi nhận doanh thu khi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ

Doanh thu được ghi nhận khi hàng hóa hoặc dịch vụ đã cam kết được chuyển giao hoặc cung cấp cho khách hàng và khách hàng đạt được quyền kiểm soát đối với hàng hoá.

3. Ví dụ áp dụng

Để hiểu rõ hơn các bước ghi nhận doanh thu, chúng ta cùng nghiên cứu trường hợp thực tế về siêu thị Vinmart nhé!

Hình thức tích điểm của Vinmart là khi khách hàng có thẻ VinID hoặc sử dụng ứng dụng VinID trên điện thoại, mỗi đơn hàng mua giá trị 100,000 đồng sẽ được tích 1 điểm, tương ứng với giá trị 1,000 đồng trong các giao dịch tiếp theo tại chuỗi siêu thị.

Các khách hàng đã mua sản phẩm với trị giá là 1,000 tỉ và nhận được số điểm tích lũy là 10 triệu điểm, tương đương 10 tỉ đồng.

Khi đó, ghi nhận doanh thu theo IFRS 15 như sau:

Bước 1: Xác định hợp đồng với khách hàng

Hợp đồng được diễn ra là khi khách hàng mua hàng và Vinmart bán hàng hóa tương ứng.

Bước 2: Xác định các nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng 

Nghĩa vụ của Vinmart trong trường hợp này là cung cấp hàng hóa mà khách hàng đã mua đúng chủng loại, đủ số lượng, trong đó có phần hàng hóa đã mua bằng tiền trước đó, và có phần hàng hóa mua bằng điểm tích lũy.

Bước 3: Xác định giá trị hợp đồng

Giá trị của hợp đồng là 1000 tỉ.

Bước 4: Phân bổ giá trị giao dịch để thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng

Tổng giá trị của khoản hàng hóa mua bằng tiền và bằng điểm là 1000 + 10 = 1010 tỉ đồng. Khi đó, Vinmart sẽ phân bổ:

  • Doanh thu từ hàng mua bằng tiền: 1000 x 1000/1010 = 990.1 tỉ đồng
  • Doanh thu từ hàng mua bằng điểm: 1000 x 10/1010 = 9.9 tỉ đồng

Bước 5: Ghi nhận doanh thu khi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ

Doanh thu của phần sản phẩm mua bằng tiền thông thường sẽ được ghi nhận ngay khi hàng hóa được bán ra. Doanh thu từ điểm, giả sử tới cuối kì có 8 triệu điểm đã được sử dụng trên tổng số 10 triệu điểm.

  • Doanh thu: 8/10 x 9.9 = 7.92 tỉ
  • Nghĩa vụ (Contract liability): 2/10 x 9.9 = 1.98 tỉ
  • Doanh thu được ghi nhận trong kì theo IRFS 15 là 990.1 + 7.92 = 998.02 tỉ đồng, thay vì 1,000 tỉ đồng.

Trên đây là một số kiến thức căn bản về việc ghi nhận Doanh thu theo chuẩn mực Kế toán Quốc tế ở môn ACCA Financial Reporting . Chúc các bạn học tập và ôn luyện thật tốt nhé!

HỌC THỬ MIỄN PHÍ MÔN FR/F7 - FINANCIAL REPORTING TẠI ĐÂY